banner image
Góc báo chí

Đăng trên báo Đầu Tư Chứng Khoán: Quản lý thuế thương mại điện tử đối mặt nhiều thách thức

Việt Nam đang từng bước trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng của khu vực và thế giới. Nhằm đảm bảo việc thu thuế đúng và chống thất thu ngân sách nhà nuớc, các cơ quan nhà nước đang từng bước xây dựng khung pháp lý nhằm quản lý các hoạt động thương mại điện tử một cách hiệu quả nhất.

Hệ thống cơ sở pháp lý về quản lý thuế thương mại điện tử

Trong những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành một số quy định nhằm siết chặt nguồn thu ngân sách trên thu nhập của các tổ chức nước ngoài, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam.

Cụ thể, Nghị định 126/2020/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14) yêu cầu, ngân hàng thương mại và các tổ chức thực hiện trung gian thanh toán có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Trong khi đó, với Thông tư 40/2021/TT-BTC, các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ.

Thời điểm trước khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định 126 và Thông tư 40 được ban hành, các quy định về thuế chưa đạt được sự hiệu quả trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách đầy đủ và công bằng do các cơ chế về khấu trừ và nộp thuế thay chưa được xây dựng. Thay vào đó, việc tuân thủ thuế của các nhà cung cấp nước ngoài hay các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử được thực hiện dựa trên cơ sở là các thông tư hướng dẫn thực hiện luật của từng loại thuế, cụ thể là Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Nhà thầu nước ngoài.

Băn khoăn và trăn trở

Theo Nghị định 126, ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Quy định này đã đặt ra một số vấn đề chưa rõ ràng và khiến cho các ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bối rối. Đơn cử, việc xác định từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp nước ngoài cung cấp để áp dụng đúng tỷ lệ phần trăm thuế suất để tính thuế nhà thầu là một yêu cầu khó về mặt chuyên môn đối với các ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán.

Thông tư 40 quy định, các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ. Số thuế khai thay, nộp thay được căn cứ theo thuế suất của từng lĩnh vực, ngành nghề áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.

Về bản chất, sàn thương mại điện tử không phải là đơn vị trả thu nhập, mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối, tạo điều kiện cho việc thực hiện giao dịch giữa người bán và người mua. Việc quản lý thông tin của người bán, cung cấp thông tin kinh doanh, việc khai, nộp thuế thay cũng sẽ làm tăng gánh nặng quản trị, nguồn nhân lực cũng như chi phí vận hành của sàn thương mại điện tử.

Lộ trình và cơ chế quản lý cần phù hợp với thực tiễn

Hiện tại, Bộ Tài chính đang làm việc với các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, thương mại để tham vấn ý kiến để xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định 126, cũng như lộ trình cần thiết cho Thông tư 40, nhằm đảm bảo sự nhất quán về nguyên tắc quản lý thuế giữa các văn bản pháp luật cũng như tính hợp lý phục vụ cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp.

Việc triển khai các chính sách quản lý thuế thương mại điện tử cũng đang là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Về công cụ quản lý thuế, các quốc gia phát triển như một số nước EU và Trung Quốc đã xây dựng các ứng dụng tích hợp và hoạt động trên nền tảng các website là sàn thương mại điện tử để trích xuất dữ liệu là các đối tượng chịu thuế, giá trị giao dịch, loại hình hàng hóa dịch vụ và đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, từ đó xác định số thuế phải nộp hoặc phục vụ cho mục đích thanh kiểm tra thuế.

Đối với các tổ chức kinh doanh thương mại điện tử không cư trú, có thể tạo ra một cổng thông tin trực tuyến giúp cho các nhà cung ứng nước ngoài có thể đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế trực tuyến. Như vậy, việc khai thuế, nộp thuế hoàn toàn sẽ được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Đối với hình thức khấu trừ và nộp thuế thông qua ngân hàng thương mại, trên thế giới đã có một số quốc gia áp dụng hình thức này, tuy nhiên vì các ngân hàng thương mại không thể xác định được đâu là khoản thanh toán liên quan đến thương mại điện tử, cũng như các vấn đề nghiệp vụ về thuế, hình thức này còn gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý thuế tại các quốc gia đã và đang cân nhắc sử dụng các ứng dụng, công cụ chuyên môn để tích hợp với cơ sở dữ liệu của ngân hàng thương mại để phục vụ cho việc quản lý thuế.

Nhìn chung, về nguyên tắc, việc xây dựng khung pháp lý để tạo ra sân chơi thương mại điện tử bình đẳng và đảm bảo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước là việc làm đúng đắn và cấp thiết tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng như các cơ quan ban ngành có liên quan cần cân nhắc xây dựng các cơ chế và các giải pháp nhằm đảm bảo việc tối ưu hóa mục tiêu quản lý thuế song song với trách nhiệm tối thiểu hóa những nguồn lực, thời gian và tài nguyên của các sàn thương mại điện tử hay các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện lý tưởng nhất để các tổ chức này tập trung vào thế mạnh kinh doanh của mình.

---

Tác giả:

Nguyễn Tấn Tài

Trưởng phòng tư vấn Thuế, Grant Thornton Việt Nam

Email: TanTai.Nguyen@vn.gt.com

---

Link bài viết: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-doi-mat-nhieu-thach-thuc-post281605.html

Sao chép nội dung