banner image
Góc báo chí

Đăng trên báo CafeF: Lưu ý quan trọng khi lập hồ sơ xác định giá Giao dịch liên kết

Đại dịch Covid đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp khi vừa chống dịch vừa đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, ghi nhận sụt giảm lợi nhuận và phát sinh lỗ do ảnh hưởng dịch bệnh còn khiến các doanh nghiệp có giao dịch liên kết (GDLK) vô hình chung chịu rủi ro về chuyển giá nếu không chuẩn bị đầy đủ thông tin để chứng minh tính khách quan của các mức lợi nhuận thấp/lỗ phát sinh. Một số lưu ý trong quá trình lập hồ sơ tuân thủ về GDLK sẽ được thảo luận trong bài viết này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động giảm thiểu rủi ro trong thanh/kiểm tra thuế.

Nắm vững yêu cầu tuân thủ

Doanh nghiệp trước hết cần nắm vững yêu cầu tuân thủ về GDLK tại Việt Nam. Người nộp thuế phát sinh GDLK được yêu cầu chuẩn bị các mẫu kê khai GDLK nộp kèm quyết toán thuế TNDN cũng như lập và lưu báo cáo GDLK để nộp cho cơ quan Thuế khi được yêu cầu.

Thưc tế ghi nhận nhiều doanh nghiệp phát sinh GDLK bỏ qua một phần hoặc toàn bộ yêu cầu nói trên. Nhiều doanh nghiệp chỉ nộp mẫu kê khai GDLK và "quên" chuẩn bị các báo cáo GDLK. Vô hình chung, doanh nghiệp đã tự đẩy mình vào thế vi phạm do thiếu hồ sơ giải trình, dẫn đến việc cơ quan Thuế không có cơ sở để soát xét tính minh bạch của GDLK và phải áp dụng các biện pháp chế tài ấn định lợi nhuận doanh nghiệp dựa trên cơ sở dữ liệu thống kê.

Lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ GDLK trong đại dịch

Như đã đề cập, sụt giảm lợi nhuận hoặc phát sinh lỗ sẽ phát sinh rủi ro về chuyển giá với doanh nghiệp có GDLK. Theo đó, các doanh nghiệp này ngoài chuẩn bị các hồ sơ tuân thủ còn cần chuẩn bị giải trình cho sụt giảm lợi nhuận hoặc lỗ do ảnh hưởng từ đại dịch, tránh rơi vào tình trạng "tình ngay lí gian" khi có thanh/kiểm tra thuế.

Ảnh hưởng từ đại dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh

Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ giải trình, chứng minh sụt giảm lợi nhuận hoặc lỗ do nguyên nhân khách quan từ đại dịch kèm theo bằng chứng và số liệu cụ thể để ghi nhận trong báo cáo GDLK. Tiêu biểu, số liệu cụ thể về cắt giảm giảm doanh số bán hàng hoặc đình trệ sản xuất cũng như các thông báo trì hoãn hoặc hủy đơn trong GDLK và so sánh cùng kì có thể chứng minh được ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và giải trình với cơ quan thuế sau này. Bên cạnh đó, chi phí phát sinh với các bên độc lập do ảnh hưởng khách quan từ đại dịch (ví dụ như xét nghiệm nhanh, tổ chức sản xuất theo các quy định phòng chống dịch hay chi phí hậu cần bị tăng do ảnh hưởng từ đại dịch) cũng có thể được ghi nhận trong báo cáo GDLK nhằm giải trình cho các suy giảm lợi nhuận trong năm.

Chi phí dịch vụ quản lý nội bộ tập đoàn

Chi phí dịch vụ quản lý nội bộ tập đoàn đã có tiền lệ xấu và xem là chi phí "ảo" khi bị một số tập đoàn lợi dụng nhằm chuyển lợi nhuận và trốn thuế. Hơn nữa, đại dịch đã thúc đẩy chuyển đổi số và triển khai dịch vụ trực tuyến, dẫn đến chứng minh tính hợp lệ của chi phí này càng khó khăn khi thiếu hiện diện của các chuyên gia công tác tại Việt Nam. Pháp luật về GDLK đã quy định điều kiện nhằm công nhận chi phí trên, theo đó doanh nghiệp cần chứng minh dịch vụ đã phát sinh trên thực tế, phục vụ duy nhất cho doanh nghiệp và tuân thủ nguyên tắc giao dịch độc lập. Cụ thể, doanh nghiệp nên đặc biệt lưu ý và chuẩn bị các số liệu thực tế về quá trình thực hiện dịch vụ, cơ sở phân bổ, tác vụ quản lý cũng như nhân sự tham gia và phân tích chi tiết lợi ích nhận được từ dịch vụ.

Phân tích GDLK

Phân tích so sánh (benchmarking) cần được cân nhắc kĩ khi kiểm tra GDLK. Doanh nghiệp được yêu cầu so sánh trực tiếp giá GDLK với giao dịch độc lập tương đồng hoặc so sánh tỷ suất lợi nhuận của mình với các doanh nghiệp tương đồng cùng ngành.

Đối với phương pháp so sánh trực tiếp giá GDLK và giao dịch độc lập, cần lưu ý các tác nhân từ đại dịch gây ảnh hưởng đến giá giao dịch và ảnh hưởng tính tương đồng. Ví dụ, đứt gãy cung ứng và đình trệ sản xuất sẽ gây ra các biến động về giá trong vả GDLK lẫn giao dịch độc lập trong từng thời điểm tiến hành giao dịch, tác nhân này cần được xem xét và ghi nhận khi phân tích.

Đối với phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận, cần lưu ý mức độ ảnh hưởng khác nhau của đại dịch theo quốc gia và từng khu vực địa lý. Ví dụ, độ nghiêm trọng của đại dịch tại khu vực Đông Nam Bộ được xem là cao hơn so với các doanh tại các tỉnh và khu vực khác. Các mức độ ảnh hưởng này cần được soát xét và tiến hành điều chỉnh kỹ thuật cần thiết nhằm tăng tính chính xác khi phân tích GDLK. Đồng thời, doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu so sánh cùng năm khi thực hiện phân tích so sánh nhằm thể hiện các rủi ro có hệ thống trong toàn ngành.

 

Link bài viết: https://cafef.vn/luu-y-quan-trong-khi-lap-ho-so-xac-dinh-gia-giao-dich-lien-ket-20211114182356536.chn

 

Liên hệ tác giả:

Đỗ Bảo Khánh

Trưởng phòng cấp cao

Dịch vụ Xác định giá giao dịch liên kết

Grant Thornton Việt Nam

E: khanh.do@vn.gt.com

 

 

 

Sao chép nội dung