banner image
Góc báo chí

Các câu hỏi thường gặp về tuân thủ xác định giá giao dịch liên kết

Đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau các làn sóng Covid đã thúc đẩy sự quay trở lại mạnh mẽ của dòng giao dịch liên kết giữa các Tập đoàn đa quốc gia, kéo theo hệ quả là sự gia tăng trở lại các rủi ro liên quan đến chuyển giá nếu doanh nghiệp không nắm bắt được các yêu cầu tuân thủ về giá giao dịch liên kết tại Việt Nam.

Bài viết này sẽ trả lời một số câu hỏi thường gặp về xác định giá giao dịch liên kết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nắm bắt tốt hơn về luật pháp và chủ động tuân thủ nhằm giảm thiểu các rủi ro về chuyển giá.

 

Chuyển giá là gì?

Nói một cách dễ hiểu, hành vi chuyển giá bất hợp pháp được xem là tác động có chủ ý vào giá hàng hóa hay dịch vụ trong giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết (giao dịch liên kết), nhằm mục đích chuyển lợi nhuận từ bên có thuế suất cao sang bên liên kết đang được hưởng thuế suất thấp (do ưu đãi thuế hoặc đăng kí hoạt động tại các "thiên đường thuế"). Theo đó, mục đích cuối cùng của chuyển giá là tối thiểu chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và tối đa lợi nhuận trên phương diện của cả Tập đoàn hoặc nhóm Công ty có chung kiểm soát.

 

Đối tượng nào cần chuẩn bị hồ sơ giao dịch liên kết?

Nhìn chung, các công ty thuộc quan hệ liên kết như (i) trực tiếp đầu tư hoặc kiểm soát lẫn nhau (công ty mẹ-con), hoặc (ii) cùng nằm trong một Tập đoàn hoặc chịu sự đầu tư cũng như kiểm soát của một bên thứ ba (các công ty anh chị em), hoặc (iii) phát sinh giao dịch cho vay hay chuyển nhượng vốn với pháp nhân điều hành, sẽ phải tuân thủ các yêu cầu chuẩn bị hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết tại Việt Nam.

 

Hồ sơ giao dịch liên kết gồm những gì và phải được chuẩn bị khi nào?

Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết được chuẩn bị nhằm bảo vệ người nộp thuế trong thanh tra/kiểm tra về chuyển giá, thông qua các phân tích chứng minh tính minh bạch và tuân thủ pháp luật trong chính sách giá của giao dịch liên kểt người nộp thuế phát sinh. Luật pháp hiện hành về Xác định giá giao dịch liên kết quy định tất cả hồ sơ về giao dịch liên kết phải được chuẩn bị trước thời điểm kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm (hạn chót là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính của người nộp thuế).

Nhìn chung, người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết cần nắm vững những yêu cầu tuân thủ về hồ sơ như sau:

Các Mẫu kê khai giao dịch liên kết: Bao gồm Mẫu 01, 02, 03 và 04 (riêng Mẫu 04 chỉ dành cho pháp nhân là công ty mẹ tối hậu tại Việt Nam có doanh thu từ 18 nghìn tỷ trở lên). Các Mẫu kê khai giao dịch liên kết cần chuẩn bị và nộp kèm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm. Các Mẫu kê khai thể hiện các thông tin khái quát nhất về giao dịch liên kết phát sinh trong năm cũng như các cách kiểm tra giao dịch liên kết và các thông tin được ghi nhận trong Hồ sơ giao dịch liên kết.

Hồ sơ Xác định giá giao dịch liên kết: Bao gồm Hồ sơ quốc gia, Thông tin từ Hồ sơ toàn cầu (được chuẩn bị theo các danh mục tương ứng trong mẫu kê khai 02 và 03) cũng như bản sao của Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Lưu ý rằng Hồ sơ Xác định giá giao dịch liên kết không phải nộp cùng quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp mà sẽ được lưu trữ trong thời hạn 10 năm tại cơ sở của người nộp thuế. Hồ sơ này sẽ được nộp khi người nộp thuế nhận được thông báo nộp hồ sơ từ cơ quan Thuế địa phương cho mục đích thanh tra/kiểm tra hoặc đơn thuần là đánh giá rủi ro doanh nghiệp hàng năm.

Thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định nói trên qua không chuẩn bị Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và chỉ nộp tờ khai giao dịch liên kết hàng năm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tuy đã có chuẩn bị Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết nhưng lại chuẩn bị sau ngày quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó phát sinh rủi ro toàn bộ Hồ sơ đã được chuẩn bị sẽ bị xem là không hợp lệ và cơ quan Thuế có quyền loại các hồ sơ này khi tiến hành thanh tra.

 

Xử lý chế tài từ cơ quan Thuế gồm những gì?

Thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp đặt mình vào vị trí "tình ngay lý gian" khi tổ chức và sắp đặt giao dịch liên kết rất khách quan và minh bạch nhưng thiếu đi sự chuẩn bị các hồ sơ tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, từ đó dẫn đến các chế tài phát sinh từ cơ quan thuế khi có thanh tra/kiểm tra do không đủ cơ sở để xác minh giao dịch liên kết của doanh nghiệp. Theo đó, trong mọi trường hợp vi phạm và không đảm bảo tuân thủ, cơ quan thuế có quyền điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp lên một mức độ hợp lý theo ý kiến của cơ quan Thuế, từ đó tiến hành truy thu nghĩa vụ thuế sau điều chỉnh cũng như các khoản phạt thuế, phạt hành chính và lãi chậm nộp phát sinh.

Nghiêm trọng hơn, hành vi không tuân thủ có thể để lại rủi ro về sau cho doanh nghiệp khi lỗi này sẽ được ghi nhận vào lịch sử thanh tra và đánh giá rủi ro doanh nghiệp trong các năm tiếp theo. Đồng thời, danh tiếng của cả Tập đoàn cũng sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp các kết luận về chuyển giá của công ty con tại Việt Nam được công bố với cơ quan thuế quốc tế theo các Hiệp ước chia sẻ thông tin mà ngành Thuế Việt Nam đang tiến hành đàm phán.

---

Tác giả:

Đỗ Vũ Bảo Khánh

Trưởng phòng cấp cao - Dịch vụ Xác định giá giao dịch liên kết

Grant Thornton Việt Nam

E: khanh.do@vn.gt.com

 

Link bài viết:

https://cafef.vn/cac-cau-hoi-thuong-gap-ve-tuan-thu-xac-dinh-gia-giao-dich-lien-ket-20220117105949721.chn

 

 

Sao chép nội dung