Năm 2025, thị trường đầu tư tư nhân tại Việt Nam tiếp tục chứng kiến những chuyển động đáng kể, từ sự dịch chuyển dòng vốn, điều chỉnh chiến lược thoái vốn đến xu hướng ứng dụng AI trong hoạt động đầu tư. Khảo sát “Đầu tư tư nhân 2025” của Grant Thornton Việt Nam mang đến góc nhìn toàn diện, giúp các nhà đầu tư định hình chiến lược trong bối cảnh thị trường đang thay đổi.

Với những thông tin cập nhật và phân tích chuyên sâu, khảo sát này sẽ là công cụ hữu ích cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội và chiến lược phù hợp trong lĩnh vực Đầu tư tư nhân tại Việt Nam.

Tóm tắt chính

Triển vọng thị trường

Việt Nam bước vào năm 2025 trên đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với mức tăng GDP 7,09% năm 2024 – cao nhất khu vực Đông Nam Á. Động lực tăng trưởng đến từ sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, sự phục hồi ngành du lịch, cùng với dòng vốn đầu tư FDI gia tăng. Tổng vốn FDI đạt 38,2 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, bất động sản và năng lượng. Dù thị trường vốn còn nhiều biến động, niềm tin nhà đầu tư vẫn duy trì ở mức cao nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và kỳ vọng về việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cùng kế hoạch xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế càng củng cố vai trò của Việt Nam như một trung tâm hấp dẫn đầu tư trong khu vực.

Tổng quan các thương vụ đầu tư

Thị trường PE tại Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024, chỉ ghi nhận 31 thương vụ với tổng giá trị 326 triệu USD — sụt giảm mạnh so với năm 2023 do thiếu vắng các giao dịch quy mô lớn. Ngành công nghệ dẫn đầu về số lượng thương vụ, trong khi bán lẻ và y tế đứng đầu về giá trị. Những tín hiệu đầu năm 2025 cho thấy sự lạc quan trở lại, nổi bật là thương vụ huy động vốn 70 triệu USD của Techcoop – một trong những thương vụ công nghệ nông nghiệp lớn nhất Đông Nam Á.

Huy động vốn

Năm 2024, 64% trong số các nhà quản lý quỹ PE có tiến hành huy động vốn năm 2024 đã không đạt được mục tiêu đề ra. Những thách thức chính bao gồm việc các Nhà đầu tư góp vốn (LPs) cắt giảm tỷ trọng phân bổ vốn vào nhóm các thị trường cận biên, biến động vĩ mô và thời gian thoái vốn kéo dài. Tuy nhiên, triển vọng năm 2025 khá tích cực khi gần một nửa số người được khảo sát kỳ vọng hoạt động huy động vốn sẽ tăng trưởng trên 15%, được thúc đẩy bởi điều kiện vĩ mô được cải thiện, khẩu vị rủi ro của LPs gia tăng và kỳ vọng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Ngành hấp dẫn​

Y tế, công nghệ và giáo dục là các lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu cho đầu tư PE tại Việt Nam trong năm tới, phản ánh xu hướng ưa chuộng của nhà đầu tư đối với những ngành có khả năng mở rộng, bền vững và tăng trưởng cao. Các ưu tiên này phù hợp với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, quá trình chuyển đổi số và nhu cầu nâng cao kỹ năng lực lượng lao động. Vận tải và logistics cũng tiếp tục được quan tâm, nhờ vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Định giá

Định giá tại Việt Nam trong năm 2024 giảm theo xu hướng chung của toàn cầu, phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư PE trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, tâm lý thị trường cho năm 2025 đang dần cải thiện: 94% nhà đầu tư PE tham gia khảo sát kỳ vọng hệ số định giá sẽ tăng, được thúc đẩy bởi tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn, điều kiện vĩ mô được cải thiện và các cải cách kinh tế đang tiếp tục triển khai. Dù những bất ổn toàn cầu và xu hướng lãi suất vẫn là các rủi ro chính, các yếu tố nền tảng vững chắc và triển vọng chính sách của Việt Nam tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Kế hoạch tạo giá trị

Kết quả khảo sát cho thấy ưu tiên trong kế hoạch tạo giá trị của các quỹ PE tại Việt Nam đang dịch chuyển — từ ổn định và tiết giảm chi phí (2023–2024) sang tăng trưởng và mở rộng quy mô (2025–2026). Sự thay đổi này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng vĩ mô và sự phục hồi của thị trường Việt Nam. Trong tương lai, các chiến lược tạo giá trị sẽ tập trung vào mở rộng thị trường, cải thiện quản trị và chuyển đổi số, thay thế cho các ưu tiên trước đây như tái cấu trúc và quản lý dòng tiền.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang gia tăng nhanh chóng trong các công ty PE tại Việt Nam, với 82% nhà đầu tư công nhận tầm quan trọng của AI và 85% đã triển khai hoặc có kế hoạch triển khai các công cụ dựa trên AI. Phân tích dữ liệu và các kết quả do AI hỗ trợ được kỳ vọng sẽ tái định hình chiến lược tạo giá trị, đặc biệt trong quản lý danh mục, tìm kiếm thương vụ và thẩm định đầu tư. Xu hướng này cho thấy sự chuyển dịch lớn từ tối ưu vận hành sang ra quyết định dựa trên công nghệ và tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt.

Thoái vốn

Thoái vốn vẫn là thách thức đối với các nhà đầu tư PE tại Việt Nam, với 64% dự báo sẽ bị trì hoãn từ một năm trở lên do chênh lệch định giá và sự bất ổn của thị trường. Dù lo ngại về thời điểm thoái vốn, kỳ vọng lợi suất vẫn tích cực, khi hơn 75% người tham gia khảo sát kỳ vọng tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) vượt 20%. Bán cho đối tác chiến lược và bán thứ cấp hiện là các kênh thoái vốn được ưa chuộng hơn, trong khi IPO ngày càng kém hấp dẫn do các quy định niêm yết chặt chẽ hơn và hạn chế tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu Tư Tư Nhân Việt Nam 2025

Đầu Tư Tư Nhân Việt Nam 2025

Đọc và tải Báo cáo chi tiết tại đây