article banner
Đăng trên ấn phẩm Toàn cảnh M&A 2020

Nắm bắt giai đoạn vàng cho đầu tư giáo dục

Ngành giáo dục đang đứng trước cửa ngõ của một giai đoạn phát triển vàng, với một loạt yếu tố hỗ trợ.

Giai đoạn phát triển vàng
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, bởi thế mà các bậc phụ huynh từ bao đời nay luôn coi trọng đầu tư cho giáo dục và dành cho nó một mức ưu tiên lớn. Điều tra của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2015-2016 cho thấy, chi tiêu cho giáo dục chiếm trung bình 34,7% tổng chi tiêu của hộ gia đình.

Đầu tư tư nhân vào giáo dục đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo khảo sát của Grant Thornton Việt Nam năm 2019, giáo dục là một trong những lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất, chiếm 35% ý kiến của các nhà đầu tư tham gia khảo sát. Mối quan tâm này bao trùm toàn bộ các cấp học từ mầm non, liên cấp đến đại học, cũng như đào tạo kỹ năng sau giờ học (tiếng Anh, nghệ thuật, công nghệ), đào tạo nghề và đào tạo kỹ năng cho người lớn.

Chúng tôi cho rằng, ngành giáo dục đang đứng trước cửa ngõ của một giai đoạn phát triển vàng, với một loạt yếu tố hỗ trợ, trong đó có thể kể đến 3 yếu tố chính như sau:

Thứ nhất là các yếu tố về nhân khẩu học. Tăng trưởng thu nhập và sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là yếu tố chính thúc đẩy chi tiêu cho giáo dục. Với dân số hơn 96 triệu người, trong đó 60% dân số dưới 40 tuổi, 34,4% sống ở các khu đô thị, Việt Nam có cơ cấu dân số và nhân khẩu vô cùng thuận lợi để phát triển giáo dục. Những thế hệ người Việt trẻ sinh năm 7x-8x và thậm chí là 9x - những người có nền tảng giáo dục tốt và thu nhập cao - bắt đầu vào giai đoạn làm bố, làm mẹ. Những bậc cha mẹ trẻ này thường có đòi hỏi cao hơn về chất lượng giáo dục cho con cái của họ và cũng sẵn sàng đầu tư nhiều hơn để con cái có được những nền tảng kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Thứ hai là các chính sách khuyến khích của Chính phủ. Chi tiêu cho giáo dục là một hạng mục quan trọng trong ngân sách, chiếm xấp xỉ 20% tổng chi tiêu ngân sách nhà nước và con số này vẫn liên tục tăng lên. Đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cũng được khuyến khích. Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập và sở hữu các cơ sở giáo dục lên tới 100% vốn.

Đối với giáo dục mầm non và liên cấp, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 73/2012/NĐ-CP cho phép gia tăng tỷ lệ học sinh Việt Nam được phép theo học trường quốc tế dạy chương trình nước ngoài lên 50% (trước đó là 0-20% tùy từng cấp học). Điều này đã mở đường cho đầu tư vào giáo dục mầm non và liên cấp nở rộ với việc thành lập mới và M&A hàng loạt trường quốc tế và song ngữ.

Thứ ba là tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua, kéo theo việc một đội ngũ lớn các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc, bắt nguồn cho nhu cầu thành lập các trường quốc tế và cơ sở giáo dục chất lượng cao. Đặc biệt, với sự thay đổi vị thế kinh tế - xã hội của Việt Nam trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ là điểm đến thay thế Trung Quốc cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Điều này sẽ càng góp phần thúc đẩy cho nhu cầu đầu tư vào giáo dục.

Xu hướng nào cho đầu tư giáo dục trong tương lai?
Với sự tác động của các yếu tố hỗ trợ nói trên, chúng tôi kỳ vọng, ngành giáo dục sẽ trải qua các xu hướng phát triển chính như sau:

Đầu tiên, đầu tư vào giáo dục mầm non và liên cấp sẽ tiếp tục nở rộ, bao gồm cả thành lập mới, mua lại và sáp nhập (M&A), hay đầu tư góp vốn vào một cơ sở đã vận hành. Đây là lĩnh vực thu hút nhiều quan tâm nhất của các nhà đầu tư trong những năm vừa qua và vẫn luôn nằm trong danh sách các giao dịch được tìm kiếm nhiều nhất bởi các nhà đầu tư của ngành và nhà đầu tư tài chính.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với nhu cầu hiện tại, đầu tư trong lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục phát triển, đặc biệt là mở rộng về mặt địa lý ra các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP.HCM, khi tốc độ đô thị hóa và thu nhập bình quân của người dân ngày càng tăng cao.

Thứ hai, đầu tư trong lĩnh vực đại học, cao đẳng, dạy nghề sẽ được quan tâm hơn. Các quy định về việc thành lập mới trường đại học hiện khá ngặt nghèo, bao gồm các quy định về cấp phép (phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và số vốn tối thiểu (1.000 tỷ đồng, không bao gồm giá trị đất). Chính vì thế, các thương vụ đầu tư trong lĩnh vực đại học, cao đẳng cho đến nay chủ yếu thông qua hình thức M&A.

Điển hình có thể kể đến việc Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua 4 trường đại học từ năm 2016-2018; Quỹ đầu tư Navis Capital mua lại đa số cổ phần của Công ty cổ phần Giáo dục TTC, trong đó sở hữu Trường cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi Đồng Nai và Trường đại học Yersin Đà Lạt.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng các tập đoàn đa ngành lớn trong nước đã mở rộng sang mảng giáo dục một phần để đáp ứng nhu cầu nội tại, một phần do sự hấp dẫn của ngành, ví dụ có thể kể đến các tập đoàn như Vingroup, FLC… Với xu hướng này, trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch đầu tư M&A hơn nữa trong nhóm các trường đại học và cao đẳng.

Thứ ba, đào tạo các kỹ năng cho kỷ nguyên công nghệ mới sẽ là một bước phát triển tất yếu. Tiếng Anh vốn đã và đang được coi là một kỹ năng thiết yếu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và đã chứng kiến sự đầu tư rầm rộ bởi các quỹ đầu tư nước ngoài như Baring Private Equity Asia đầu tư vào Anh Văn Hội Việt Mỹ (2019), Mekong Capital và Kaizen PE đầu tư vào Trung tâm Anh ngữ YOLA (2017-2019), hay TAEL Partners đầu tư vào Ivy Prep Education (2018-2020).

Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo Tổ chức Khoa học quốc gia - một cơ quan độc lập của Chính phủ Mỹ, 80% việc làm trong thập kỷ tới sẽ đòi hỏi kỹ năng toán và khoa học. Do đó, giáo dục ở mỗi quốc gia, bao gồm Việt Nam sẽ cần chuẩn bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21. Giáo dục STEM (Science, Technology, Engineering, and Math), chính vì vậy, được kỳ vọng là sẽ nhận được nhiều sự quan tâm.

Thứ tư, đào tạo trực tuyến sẽ là một phương thức mới song hành và bổ trợ cho mô hình đào tạo truyền thống. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến mô hình giáo dục truyền thống phải đối mặt với những thay đổi chưa từng có. Nhiều cơ sở giáo dục đã nhanh chóng chuyển sang áp dụng mô hình giáo dục trực tuyến. Chẳng hạn, YOLA và Everest Education đã thành công chuyển đổi hơn 90% học sinh sang các lớp học trực tuyến; hệ thống học viện công nghệ Teky đã hoàn thiện nền tảng cho EdTech ngay trong tháng 2/2020 thay vì một kế hoạch phát triển dần trong 2-3 năm.

Những kết quả tích cực này có thể là dấu hiệu cho thấy tương lai của mô hình kinh doanh trực tuyến và mở đầu cho xu hướng đầu tư vào EdTech trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định, mô hình giáo dục tương lai sẽ nghiêng về kết hợp online và offline
(O2O), theo đó giáo dục trực tuyến sẽ được thực hiện song song và bổ trợ cho mô hình giáo dục truyền thống. Trong mảng này, chúng tôi cũng nhận thấy có rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt nhóm nhà đầu tư tài chính. Tuy nhiên, các cơ hội hiện tại chưa nhiều do Việt Nam còn đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Nắm bắt thời cơ…
Đứng trước một thời kỳ đầy rủi ro, biến động, nhưng cũng rất nhiều yếu tố hỗ trợ và cơ hội để phát triển, các doanh nghiệp giáo dục và các nhà đầu tư quan tâm đến giáo dục có thể làm gì để nắm bắt các cơ hội của mình? Qua trao đổi với các doanh nghiệp trong ngành, chúng tôi thấy rằng, việc nhận định cơ hội không phải là vấn đề. Vấn đề lớn nhất là có được và duy trì được vốn đầu tư trong giai đoạn khó khăn hiện tại để vượt lên và dẫn đầu. Song hành cùng đó, một chiến lược phát triển nắm bắt nhu cầu tương lai, chất lượng và bền vững sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong các quyết định bỏ vốn của mình.

(*) Grant Thornton là công ty tư vấn, kiểm toán, thuế đã có trên 25 năm kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

------

Nguyễn Thị Vĩnh Hà

Phó tổng giám đốc - Grant Thornton Việt Nam

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Trưởng phòng cấp cao Bộ phận Tư vấn - Grant Thornton Việt Nam