1. Các quy định khuyến khích kinh doanh trong bối cảnh Covid-19

1.1.  Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 (“Nghị quyết 406”) về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19

Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 406 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 với một số nội dung đáng chú ý như sau:

  • Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)
    • Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
    • Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021.
  • Miễn thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”), thuế giá trị gia tăng (“GTGT”) và các loại thuế khác
    • Miễn thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
    • Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.
  • Giảm thuế GTGT
    • Giảm 30% thuế GTGT kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:
      • Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch;
      • Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. (Không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến)
    • Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được áp dụng như sau:
      • Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT.
      • Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu: giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT.
  • Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021
    • Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.

Ngoài ra, dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị quyết 406 đang được lấy ý kiến với một số nội dung đáng chú ý như sau:

  • Quy định về đối tượng áp dụng;
  • Quy định về tổng doanh thu trong kỳ tính thuế đối với thuế TNDN;
  • Quy định về cách xác định, căn cứ xác định số thuế được miễn giảm với các loại thuế
  • Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện, hồ sơ;

Tuy nhiên, tới thời điểm phát hành Bản tin này, nghị định hướng dẫn vẫn chưa được chính thức ban hành. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm khi có văn bản ban hành chính thức trong các Bản tin thường kỳ.

1.2.  Quyết định 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 25/09/2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền cho thuê đất hằng năm.

  • Mức giảm: giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 và không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có). Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm.
  • Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2021.

 

2. Các quy đinh và hướng dẫn liên quan đến thuế TNDN và thuế GTGT trong giai đoạn dịch Covid-19

2.1. Nghị định 44/2021/NĐ-CP về các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19

Ngày 31/03/2021, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP quy định về các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng chống dịch Covid 19. Theo đó, các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ (như UB MTTQ VN các cấp, các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, các cơ quan đơn vị có chức năng huy động tài trợ, quỹ phòng chống dịch COVID-10 các cấp, v.v..) theo quy định được trừ cho mục đích tính thuế TNDN nếu có đầy đủ hồ sơ chứng từ.

Hồ sơ:

  • Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 44/2021/NĐ-CP hoặc văn bản, tài liệu xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ;
  • Hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

2.2. Công văn số 12452/BTC-TCT về chi phí khấu hao tài sản cố định cho mục đích thuế TNDN

Do ảnh hưởng của dịch covid-19 dẫn tới nhu cầu thị trường sụt giảm cũng như tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngày 09/10/2020, Bộ Tài Chính đã ban hành Công văn số 12452/BTC-TCT quy định về chi phí khấu hao tài sản cố định cho mục đích thuế TNDN, nội dung chi tiết như sau:

Doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động một số tài sản cố định dưới 9 tháng trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì thuộc trường hợp tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ. Theo đó, chi phí khấu hao trong giai đoạn này có thể được chấp nhận là chi phí được trừ cho thuế TNDN nếu Doanh nghiệp lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.

2.3. Công văn 5032/TCT-CS quy định về thuế TNDN cho chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19 của chuyên gia nước ngoài

Ngày 26/11/2020, Bộ Tài Chính của Tổng Cục Thuế ban hành Công văn số 5032/TCT-CS quy định về chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19 của chuyên gia nước ngoài, nội dung chi tiết các khoản chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN như sau:

  • Chi phí cách ly tại khách sạn: doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
  • Chi phí mua vé máy bay: có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
  • Chi phí xét nghiệm Covid-19: được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động, được trừ khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

2.4. Công văn 2099/CT-TTHT quy định về Chi phí lương của lao động nước ngoài chưa có Giấy phép lao động trong giai đoạn Covid 19

Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 28/2020/ND-CP, việc cấp giấy phép lao động mới cho người lao động nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid -19 sẽ bị tạm ngừng. Theo đó, ngày 25/06/2020, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 2099/CT-TTHT quy định về Chi phí lương của lao động nước ngoài chưa có Giấy phép lao động trong giai đoạn Covid - 19, cụ thể như sau:

Khoản chi phí lương cho người lao động nước ngoài chưa có Giấy phép lao động sang Việt Nam làm việc sau thời gian cách ly theo quy định thì theo Nghị Quyết 28 của Chính phủ, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì được trừ khi tính thuế TNDN.

2.5. Một số công văn về thuế TNDN của cục thuế Hà Nội về chi phí phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid 19

Công văn 89924/CT-TTHT ngày 09/10/2020 về các khoản chi cho người lao động trong thời gian giãn cách xã hội, thời gian chờ việc

Ngày 09/10/2020, Cục Thuế TP Hà Nội ban hành Công văn 89924/CT-TTHT quy định về chi phí tiền lương và chi phí khác do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nội dung chi tiết như sau:

Các khoản chi trả tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công cho người lao động nghỉ trong thời gian giãn cách xã hội, thời gian chờ việc do ảnh hưởng của dịch Covid và các khoản chi khác có tính chất phúc lợi trực tiếp cho người lao động thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Công văn 31557/CTHN-TTHT ngày 13/08/2021 về một số chi phí cách ly, xét nghiệm, tiêm vacxin

Ngày 13/8/2021, Cục thuế Hà Nội đã ban hành công văn số 31557/CTHN-TTHT quy định về việc xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN liên quan đến phòng chống Covid-19 như sau:

  • Đối với chi phí cách ly cho người lao động: Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
  • Khoản chi phí xét nghiệm Covid-19, tiêm vacxin cho người lao động được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động, và tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

 

3. Các vấn đề liên quan tới thuế TNCN trên chi phí cho người lao động trong giai đoạn dịch Covid 19

3.1. Công văn 5032/TCT-CS về chính sách thuế TNCN đối với chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19 của chuyên gia nước ngoài

Cũng trong Công văn số 5032/TCT-CS đã nói tới ở phần trên, Tổng Cục Thuế cũng đã có ý kiến về chính sách thuế TNCN đối với chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19 của chuyên gia nước ngoài theo đó, về mặt nguyên tắc, các khoản chi phí cách ly phòng chống dịch Covid-19 khi nhập cảnh vào Việt Nam chi trả bởi công ty được coi là lợi ích được hưởng của người lao động và tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động.

3.2. Công văn 2548/CT-TTHT về cách tính thuế TNCN đối với chi phí khách sạn cách ly cho chuyên gia nước ngoài được chi trả bởi công ty

Ngày 01/09/2020, Cục thuế Thành phố Hải Phòng ban hành Công văn số 2548/CT-TTHT hướng dẫn cách xác định thuế TNCN đối với chi phí thuê trọn gói dịch vụ vé máy bay, đưa đón, cách ly của chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc, cụ thể như sau:

  • Chuyên gia là người lao động của công ty nước ngoài: Chi phí nếu đủ điều kiện được xác định là công tác phí theo chính sách và quy định của công ty nước ngoài thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN tại Việt Nam.
  • Chuyên gia ký HĐLĐ với công ty Việt Nam: Khoản chi này là lợi ích của người lao động được hưởng và phải tính thuế TNCN. Riêng phí khách sạn Công ty trả hộ người lao động sẽ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.

3.3. Một số công văn ban hành bởi cục thuế Bắc Ninh về thuế TNCN cho chi phí liên quan tới người lao động trong dịch Covid 19

Công văn 352/CTBNI-TTHT ngày 16/03/2021

Ngày 16/03/2021, Cục thuế Tỉnh Bắc Ninh ban hành công văn số 352/CTBNI-TTHT quy định về chi phí liên quan trong giai đoạn cách ly y tế của chuyên gia nước ngoài, nội dung chi tiết như sau:

  • Trường hợp doanh nghiệp trả thay lao động nước ngoài các chi phí liên quan khi nhập cảnh bao gồm chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào cơ sở cách ly tại Việt Nam; chi phí xét nghiệm sang lọc Covid và các chi phí ăn ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly: Các chi phí này phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động.

Công văn 1883/CTBNI-TTHT ngày 29/06/2021

Ngày 29/06/2021, Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 1883/CTBNI-TTHT quy định về chính sách thuế TNCN đối với các khoản chi phí để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn trông bối cảnh Covid 19 (thực hiện hoạt động “3 tại chỗ”). Doanh nghiệp phải chi trả các khoản chi phí như: Chi phí bố trí chỗ ăn, ở cho người lao động làm việc tại công ty; chi phí xét nghiệm Covid cho người lao động khi đi vào làm việc, định kỳ và trước khi người lao động trở về địa phương; chi phí phụ cấp cho người lao động phải ở lại công ty. Các khoản chi này nếu ghi rõ tên cá nhân hưởng thì khoản chi này tính vào thu nhập chịu thuế TNCN; nếu khoản chi không ghi rõ tên cá nhân hưởng mà chi cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Riêng khoản phụ cấp chi trả cho người lao động khi ở lại làm việc ở Công ty (ghi rõ tên người hưởng và trả cùng lương) là khoản lợi ích khác mà người lao động được hưởng và phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

3.4. Một số công văn ban hành bởi cục thuế Hà Nội về chi phí phòng chống dịch cho người lao động trong giai đoạn dịch Covid-19

Công văn số 66297/CT-TTHT ngày 16/07/2020

Công văn này nêu rõ trường hợp doanh nghiệp trong đợt dịch Covid -19 có phát sinh một số khoản chi mua khẩu trang, nước sát khuẩn tay, một số phụ kiện bảo hộ và chi xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm cho nhân viên để phòng ngừa lây nhiễm virút Covid-19, khoản chi cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của nhân viên.

Công văn số 31557/CTHN-TTHT ngày 13/03/2021

Cũng trong công văn 31557/CTHN-TTHT đã nhắc tới ở trên, Cục thuế Thành phố Hà Nội nêu rõ hướng dẫn về các khoản chi phí phòng chống dịch Covid 19 cho người lao động nếu các khoản chi này nội dung ghi rõ tên cá nhân hưởng thì cần tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

 

4. Một số chính sách hỗ trợ khác

4.1. Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19

Ngày 09/09/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP quy định về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, theo đó nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

4.2. Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho người lao động và người sử dụng lao động trong thời kỳ đại dịch Covid-19

Ngày, 07/07/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong giai đoạn dịch Covid, một số điểm nổi bật như sau:

  • Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (mức cũ là 5%) từ ngày 01/07/2021 đến hết ngày 30/06/2022.
  • Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
  • Một số trường hợp người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên được nhận hỗ trợ một lần với mức từ VND1.855.000 đồng/người đến VND3.710.000 đồng/người.

4.3. Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản hướng dẫn

Các nội dung chủ yếu của chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 116:

  • Hỗ trợ bằng tiền:
    • Hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
    • Đối tượng áp dụng:
      • Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/09/2021 (trừ người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, …)
      • Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/09/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu, không bao gồm người hưởng lương hưu
    • Mức hỗ trợ: từ 1.800.000 đồng/ người đến 3.300.000/người tùy theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
    • Thời gian triển khai: từ 01/10/2021 đến 31/12/2021
  • Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
    • Đối tượng áp dụng: Người sử dụng lao động (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021.
    • Mức giảm: Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
    • Thời gian giảm: từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/09/2022

4.4. Công văn 2059/TLĐ quy định về thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 28/05/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn số 2059/TLĐ quy định về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể như sau:

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao dộng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2021.

4.5. Công văn 264/QHLĐTL-TL về hướng đẫn trả lương trong thời gian ngừng việc liên quan tới dịch bệnh Covid-19

Trong thời gian người lao động ngừng việc do Covid-19, người sử dụng lao động cần chú ý:

  • Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.
  • Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19, tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc cụ thể như sau:
    • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
    • Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Bản tin bằng tiếng Anh

Bản tin bằng tiếng Anh

Download PDF
Bản tin bằng tiếng Việt

Bản tin bằng tiếng Việt

Download PDF
Bản tin bằng tiếng Hàn

Bản tin bằng tiếng Hàn

Download PDF
Bản tin bằng tiếng Nhật

Bản tin bằng tiếng Nhật

Download PDF