article banner
Bản tin Thuế

Cập nhật các văn bản quy định pháp luật mới và chính sách quan trọng về thuế và hải quan

1. Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu Tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu Tư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký. Một số nội dung chính tại Nghị định 31 như sau:

Quy định mới về danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài

Nghị định quy định nhóm ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường do đó nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư vào (mục A của phụ lục I ban hành kèm Nghị định 31).

Ngoài ra, Nghị định 31 cũng cung cấp danh sách chi tiết các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường theo đó nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận nhưng phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Bổ sung một số quy định về ưu đãi đầu tư

  • Bổ sung điều kiện đối với đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư như đối với các dự án đầu tư sử dụng người lao động khuyết tật phải từ 30% số lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên hoặc Bổ sung thêm một số điều kiện cho chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng ưu đãi đầu tư.
  • Bổ sung đối tượng thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư như đầu tư nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học sử dụng làm thực phẩm, sản xuất sản phẩm đồ gỗ; sản xuất ván nhân tạo, gồm: ván dán, ván ghép thanh, ván MDF, v.v..

Tuy nhiên chúng tôi xin lưu ý việc áp dụng ưu đãi, ví dụ ưu đãi thuế TNDN đối với các dự án thuộc đối tượng ưu đãi nêu trên sẽ cần được căn cứ theo các văn bản về thuế TNDN. Vui lòng liên hệ với đội ngũ tư vấn của Grant Thornton nếu quý doanh nghiệp có các câu hỏi về nội dung này.

Cập nhật Danh mục các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn

Nghị định 31/2021/NĐ-CP cũng cập nhật danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, thay thế danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

2. Nghị định 53/2021/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA giai đoạn 2021-2022

Ngày 21/05/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2021/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA giai đoạn 2021-2022 có hiệu lực thi hành từ 21/05/2021.

Cụ thể, ban hành kèm theo Nghị định 53/2021/NĐ-CP:

  • Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA (Phụ lục 1) gồm: Mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo các giai đoạn khi xuất khẩu sang Liên Hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len đối với từng mã hàng;
  • Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA (Phụ lục 2) gồm: Mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi dặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu vào Việt Nam từ các vùng lãnh thổ sau đây đối với từng mã hàng:
    • Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len;
    • Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước).

3. Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Ngày 17/05/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thông tư này ra đời nhằm áp dụng quản lý rủi ro phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế, cũng như để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, nhằm hướng đến các mục tiêu công bằng, minh bạch trong đối xử với người nộp thuế.

Một số nội dung chính đáng chú ý tại Thông tư số 31 như sau:

  • Người nộp thuế được đánh giá, phân loại theo một trong 04 mức độ tuân thủ pháp luật thuế (thay vì 03 mức độ như quy định cũ) gồm: Tuân thủ cao; Tuân thủ trung bình; Tuân thủ thấp; Không tuân thủ. Đối với người nộp thuế thuộc mức không tuân thủ, thực hiện các biện pháp quản lý theo quy định của pháp luật. Người nộp thuế thuộc các mức tuân thủ cao, trung bình, thấp và không tuân thủ, thực hiện phân tích bản chất hành vi để xác định biện pháp nâng cao tuân thủ.
  • Các biện pháp nâng cao tuân thủ pháp luật thuế bao gồm: Đưa vào danh sách xem xét, lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế; Trường hợp cần nâng cao tuân thủ, tổ chức các chương trình tiếp xúc với người nộp thuế, hội nghị đối thoại, hội thảo, đào tạo giúp người người nộp thuế thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế, nghiên cứu sửa đổi chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, v.v..
  • Ngoài ra, thông tư quy định chi tiết về việc áp dụng quản lý rủi ro với các khâu trong quản lý thuế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đồng thời nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Thông tư này thay thế Thông tư 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và có hiệu lực kể từ ngày 02/07/2021.

4. Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

Ngày 16/03/2021, Bộ kế hoạch và đầu tư đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/05/2021 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, có một số điểm mới nổi bật đáng chú ý như sau:

  • Thông tư đã quy định rõ phạm vi áp dụng biểu mẫu của Thông tư là thống nhất trên toàn quốc và đối tượng áp dụng là các chủ thể tham gia quá trình đăng ký doanh nghiệp
  • Thông tư 01 đã bãi bỏ 06 biểu mẫu của Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT liên quan đến các thủ tục đối với mẫu con dấu, việc chào bán cổ phần riêng lẻ và danh sách cá nhân tham gia thành lập hộ kinh doanh; bổ sung 19 biểu mẫu mới; sửa đổi chi tiết một số biểu mẫu và thêm các ghi chú hướng dẫn việc kê khai ở các biểu mẫu để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và tạo thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
  • Biểu mẫu mới cũng được thiết kế để bổ sung tính thông tin và giảm thiểu các nội dung không cần thiết như:

(i) Hình thức hạch toán (Khối thông tin đăng ký thuế): Bổ sung lựa chọn “Có báo cáo tài chính hợp nhất” trong trường hợp doanh nghiệp là đối tượng phải lập và gửi báo cáo tài chính hợp nhất cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

(ii) Bỏ trường thông tin về tài khoản ngân hàng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Doanh nghiệp không phải kê khai mục này khi đăng ký thành lập và không phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh khi có thay đổi thông tin về tài khoản ngân hàng.

(iii) Bỏ phần “Thông báo thay đổi người quản lý doanh nghiệp” và bỏ trường thông tin “phương pháp tính thuế” trong khối thông tin đăng ký thuế tại biểu mẫu Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và quy định pháp luật về quản lý thuế.

5. Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm

Ngày 06/05/2021, Bộ LĐTBXH ban hành Quyết định 526/QĐ-LĐTBXH công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm căn cứ theo quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

Theo đó, một số thủ tục liên quan tới giấy phép và các thủ tục liên quan cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được sửa đổi bổ sung.

Một trong những thủ tục được cập nhật là thành phần hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cần lưu ý theo quy định mới, các hồ sơ như Giấy phép lao động đã cấp, Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, Giấy chứng nhận sức khỏe, và các giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt.

6. Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ về việc ban hành Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng

Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan ngày 18/05/2021 thay thế công văn số 2765/TCHQ-GSQL về việc ban hành Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng có hiệu lực từ ngày 01/06/2021 có một số thay đổi như sau:

  • Mã loại hình Xuất khẩu

Giữ nguyên 5 mã: E42, E54, G21, G22 và G24

Cập nhật 10 mã: B11, B12, B13, E52, E62, E82, G23, G61, C22 và H21

Bổ sung 01 mã: C12- Hàng hóa từ kho ngoại quan xuất đi nước ngoài

Bỏ 01 mã: E56 - Xuất sản phẩm gia công giao hàng tại nội địa

  • Mã loại hình Nhập khẩu

Giữ nguyên 6 mã: A21, E11, E23, E31, E33, G11

Cập nhật 16 mã: A11, A12, A31, A41, A42, E13, E15, E21, E41, G12, G13, G14, G51, C11, C21, H11

Bổ sung 2 mã:

A43 – Nhập khẩu hàng hóa thuộc chương trình ưu đãi thuế

A44 – Nhập hàng hóa bán hàng tại cửa hàng miễn thuế

7. Công văn số 3440/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 siết chặt quản lý đối với các trường hợp đề nghị nhập cảnh Việt Nam

Công văn số 3440/CV-BCĐ ngày 27/04/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý đối với các trường hợp đề nghị nhập cảnh Việt Nam để phòng tránh dịch bệnh COVID-19. Theo công văn, các đối tượng hiện tại được xét duyệt nhập cảnh bao gồm:

  • Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý kinh doanh, lao động kỹ thuật cao và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con).
  • Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con).
  • Học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam.
  • Công dân Việt Nam: doanh nhân; trí thức; học sinh, sinh viên; người già; người đi thăm thân, du lịch hết hạn; lao động hết hạn hợp đồng; hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài; người ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người hết hạn visa.
  • Các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo và các trường hợp đặc biệt khác.

Tuy nhiên, việc xét duyệt phải được tiến hành rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng dịch. Các tổ chức, đơn vị đứng tên xin nhập cảnh cũng cần gửi đề nghị bằng văn bản kèm các tài liệu chứng minh để được xét duyệt.

8. Công văn số 260/LĐLĐ của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội hướng dẫn việc trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid-19

Hiện nay, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, tình trạng người lao động (NLĐ) bị ngừng việc đang ngày càng phổ biến. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 260/LĐLĐ ngày 11/05/2021 hướng dẫn việc trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid-19, cụ thể như sau:

- Đối với trường hợp NLĐ ngừng việc do phải đi cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Ngừng việc do doanh nghiệp (hoặc bộ phận DN) dừng hoạt động vì bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 thì tiền lương ngừng việc của NLĐ thực hiện như sau:

  • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
  • Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường, dẫn đến không bố trí đủ việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng phải đảm bảo các quy định sau:

  • Người lao động tạm thời chuyển làm công việc khác so với hợp đồng lao động không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm.
  • Người sử dụng lao động phải báo trước cho NLĐ ít nhất 03 ngày làm việc (thông báo rõ về thời hạn làm tạm thời, công việc phải phù hợp sức khỏe, giới tính của NLĐ).
  • NLĐ được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương này thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.

- Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, thì người sử dụng lao động và NLĐ có thể thỏa thuận “Tạm hoãn Hợp đồng lao động” không hưởng lương hoặc hưởng lương nếu hai bên có sự thỏa thuận.

- Trường hợp doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới buộc phải cắt giảm chỗ làm việc, thực hiện tổ chức lại lao động thì Công đoàn cơ sở tham gia xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động, đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ. Trong trường hợp này doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp cho NLĐ theo Điều 46 hoặc Điều 47 Bộ luật Lao động, Công đoàn cơ sở hướng dẫn NLĐ hoàn thiện thủ tục hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (nếu có).

9. Công văn số 15616/SLĐTBXH-VLATLĐ của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện báo cáo tình hình sử dụng lao động người nước ngoài

Theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2020 có hiệu lực từ ngày 15/02/2021, các doanh nghiệp phải báo cáo tình hình sử dụng người nước ngoài đến Sở lao động -Thương binh và xã hội theo mẫu Mẫu số 07/PLI phụ lục I ban hành cùng Nghị định như sau: qua email ldnn.dolisa@gmail.com. Hồ sơ gồm bản mềm (word) và bản ký, đóng dấu đỏ của doanh nghiệp.

  • Báo cáo 6 tháng: Mốc thời gian tổng hợp số liệu từ ngày 15 tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo; Thời gian nộp báo cáo: Từ ngày 15/6 đến ngày 04/0
  • Báo cáo năm: Mốc thời gian tổng hợp số liệu từ ngày 15 tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo; Thời gian nộp báo cáo: Từ ngày 15/12 đến ngày 05/01 năm sau.

Sau thời gian quy định nộp báo cáo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp danh sách các đơn vị đã gửi báo cáo đúng quy định và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở.

10. Công văn số 1485/TCHQ – TXNK về Trị giá tính thuế GTGT hàng tái nhập sau khi thuê sửa chữa ở nước ngoài không bao gồm tiền công

Công văn số 1485/TCHQ ngày 01/04/2021 của Tổng cục hải quan – Bổ sung công văn số 5485/TCHQ-TXNK về thuế nhập khẩu và thuế GTGT đối với với trường hợp doanh nghiệp tái nhập khẩu hàng hóa sau khi thuê sửa chữa ở nước ngoài (sửa chữa không theo điều kiện bảo hành của hợp đồng, có phát sinh chi phí phải trả cho đối tác nước ngoài)

  • Trị giá hải quan – trị giá tính thuế nhập khẩu: là tổng số tiền mà doanh nghiệp trả cho đối tác để sửa chữa hàng hóa, bao gồm cả phần tiền công sửa chữa và vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế nếu có.
  • Trị giá tính thuế giá trị gia tăng: không bao gồm tiền công sửa chữa nếu tách biệt khỏi trị giá vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế.

Ở thời điểm hiện tại, do hệ thống VNACCS/VICIS không hỗ trợ điều chỉnh trực tiếp trị giá tính thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp sẽ phải kê khai thuế GTGT theo trị giá tính thuế có bao gồm cả tiền công sửa chữa, sau đó cơ quan Hải quan sẽ thực hiện thủ tục hoàn trả số tiền thuế GTGT nộp thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế.

11. Công văn số 1580/TCHQ-TXNK và số 1612/TCHQ-TXNK về hoàn thuế đối với hàng hóa SXXK

Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 1580/TCHQ-TXNK vào ngày 06/04/2021 và công văn số 1612/TCHQ-TXNK ngày 08/04/2021 liên quan đến việc hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu (“SXXK”). Cụ thể:

  • Thuế nhập khẩu: Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để SXXK (loại hình E31) đã chuyển mục đích sử dụng loại hình (từ loại hình E31 sang loại hình A42) hoặc doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa theo loại hình kinh doanh (A12), sau đó đưa một phần nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để thuê doanh nghiệp khác gia công hoặc thuê doanh nghiệp khác gia công một hoặc một số công đoạn của sản phẩm và đã nhận lại bán thành phẩm để tiếp tục SXXK hoặc nhận lại thành phẩm để xuất khẩu toàn bộ ra nước ngoài thì không được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và cũng không thuộc trường hợp được xử lý theo công văn số 879/TCHQ-TXNK ngày 23/02/2021.
  • Thuế GTGT: Trường hợp người nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu không đáp ứng quy định tại Điều 12, Điều 31, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 18/2021/NĐ-CP) thì không được miễn thuế nhập khẩu và phải nộp thuế GTGT theo quy định.

12. Công văn số 1604/TCHQ-GSQL về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA

Công văn số 1604/TCHQ-GSQL ngày 08/04/2021 của Tổng cục hải quan có ý kiến về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA như sau:

  • Xử lý chứng từ chứng nhận xuất xứ bị cấp lỗi: Cơ quan hải quan chấp nhận việc nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ thay thế, sửa chữa chứng từ tự chứng nhận xuất xứ trước đó;
  • Khai báo mã số REX: Trường hợp cơ quan hải quan xác định mã số REX khai báo là có giá trị hiệu lực thì việc khai báo cụm từ “Exporter Reference No…” không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.