Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam sẽ cập nhật tới Quý khách hàng các chính sách pháp luật và các hướng dẫn đáng lưu ý trong lĩnh vực Quản lý ngoại hối, Đầu tư, Thuế, Bảo hiểm xã hội và lao động mới được ban hành trong thời gian qua.
Contents

Trụ cột 2 được công bố tại diễn đàn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (“OECD”) là một trong hai trụ cột nằm trong giải pháp toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế. Trụ cột 2 (Thuế tối thiểu toàn cầu) đã đưa ra một ngưỡng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu ở mức là 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia lớn có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu EUR (tương đương 870 triệu USD) với mục tiêu ngăn chặn cuộc đua thuế xuống đáy.

Trong Khuôn khổ Toàn diện, hơn 140 quốc gia đang hợp tác và cùng nhau để thực hiện Trụ cột 2, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đa quốc gia phải trả một mức thuế tối thiểu toàn cầu ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động sản xuất kinh doanh. Việt Nam với tư cách là một bên ký kết trong Khuôn khổ Toàn diện, đang nỗ lực điều chỉnh các quy định thuế hiện hành ở Việt Nam nhằm thích ứng với Trụ cột 2 được ban hành bởi OECD. Hơn thế, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành thực hiện phân tích đánh giá những tác động, xem xét các cơ chế, nghiên cứu sửa đổi các hiệp ước, văn bản pháp luật về thuế và các biện pháp khuyến khích nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của Trụ cột 2 tới nền kinh tế Việt Nam.

Vào tháng 7 năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế bổ sung theo quy định Chống xói mòn cơ sở toàn cầu (“GloBE”). Dự thảo nghị quyết đề xuất hai quy tắc chính để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam là Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (“QDMTT- Qualified Domestic Top-up Tax”) và Quy tắc tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (“IIR – Income Inclusion Rule”). Quy tắc Thuế tối thiểu nội địa bổ sung hướng tới mục tiêu thu bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) đối với các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là các thành viên của tập đoàn đa quốc gia, là các đối tượng thuộc Trụ cột 2, đang chịu thuế suất dưới 15%. Theo quy tắc tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu, công ty mẹ tối cao hoặc công ty mẹ trung gian hoặc công ty mẹ bị sở hữu một phần tại Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm trả khoản “thuế bổ sung” áp dụng cho khoản lợi nhuận của công ty thành viên tại bất kỳ khu vực pháp lý nào nếu thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%. Mặc dù Dự thảo Nghị quyết vẫn đang được xem xét nhưng dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua và triển khai tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2024.

Ngày 14 tháng 8 năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 6572/BKHĐT-ĐTNN nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp của các Bộ, các cơ quan liên quan có thẩm quyền về Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Việc triển khai Dự thảo Nghị quyết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam.

Chính phủ đã đề xuất chiến lược khuyến khích đầu tư, thực hiện thí điểm cho 4 loại hình doanh nghiệp sau, cụ thể:

(i) Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư trên 12 nghìn tỷ đồng hoặc có doanh thu 20 nghìn tỷ đồng/năm.

(ii) Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12 nghìn tỷ đồng hoặc doanh thu trên 20 nghìn tỷ đồng/năm.

(iii) Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư trên 12 nghìn tỷ đồng hoặc doanh thu hàng năm trên 20 nghìn tỷ đồng/năm.

(i)     Doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô trên 3 nghìn tỷ đồng.

Đây là những đối tượng đã được quy định trong Luật Công nghệ cao, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và định hướng phát triển ngành, lĩnh vực trong dài hạn mà Việt Nam theo đuổi, đồng thời tránh việc thực hiện ưu đãi thuế dàn trải, hạn chế tối đa các tác động đến ngân sách nhà nước.

Có bốn (04) hình thức hỗ trợ đầu tư đã được lựa chọn để đánh giá tác động trong dự thảo nghị quyết bao gồm (i) hỗ trợ dựa trên chi phí đầu tư tài sản cố định và hệ thống công trình hạ tầng xã hội, (ii) hỗ trợ về chi phí sản xuất sản phẩm ưu tiên, (iii) hỗ trợ chi phí đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, (iv) hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển (“R&D”). Trong đó, hai hình thức đầu tiên chưa được luật pháp nào của Việt Nam ban hành.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (“OECD”) đã đưa ra quan điểm về chi phí được khấu trừ dựa trên các hoạt động kinh tế thực chất ("SBIE" – Substance based income exclusion) trong quy tắc Trụ cột 2, đồng thời nêu ra các chi phí được trừ vào phần thu nhập khi tính các khoản thuế bổ sung tại mức thuế tối thiểu được ban hành. Mục đích của SBIE nhằm đảm bảo rằng các tập đoàn đa quốc gia phải trả một phần thuế phù hợp và công bằng tại các quốc gia nơi họ có hoạt động kinh tế thực chất. Như vậy, Dự thảo Nghị quyết đề xuất cơ chế khuyến khích chi phí đối với chi phí sản xuất, chi phí đầu tư tài sản hữu hình và chi phí phát triển nguồn nhân lực cũng sẽ phù hợp với tinh thần của OECD trong việc khuyến khích đầu tư thực chất nêu trên.

Các phương thức hỗ trợ được đề xuất như trợ cấp bằng tiền hoặc giảm trừ thuế có thể được hoàn lại đạt chuẩn, tức là khoản tín dụng thuế được hoàn lại được trả bằng tiền mặt hoặc có sẵn dưới dạng tương đương tiền mặt. Các phương thức khác như áp dụng thuế suất 15% cho toàn bộ dự án, cho phép khấu trừ một số chi phí bổ sung khi tính thu nhập chịu thuế, ưu đãi các loại thuế khác (giảm thuế GTGT, giảm thuế TNCN) đã được cân nhắc nhưng không được khuyến nghị. Khi thực hiện trong bối cảnh áp dụng Trụ cột 2, các phương án này sẽ không hiệu quả khi nó tác động trực tiếp đến kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế tại Việt Nam hoặc sẽ làm tăng chi phí được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến phải nộp thêm số thuế phải nộp theo cơ chế tính thuế bổ sung hoặc có tác động không đáng kể so với tới tác động tài chính của thuế bổ sung theo cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Nghị quyết dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2024.

Việc triển khai Trụ cột 2 vẫn đang ở giai đoạn đầu, tuy nhiên việc lập kế hoạch cụ thể và chuẩn bị sẵn sàng để thích nghi với sự thay đổi vẫn cần các Tập đoàn đa quốc gia và công ty thành viên chú trọng. Điều này sẽ giúp Công ty có thời gian để đánh giá mức độ ảnh hưởng của mình với các quy tắc mới, yêu cầu tuân thủ mới và thực hiện những thay đổi cần thiết đối với hoạt động của doanh nghiệp. Các quy tắc của Trụ cột 2 rất phức tạp, do đó, các Tập đoàn nên tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia để đảm bảo rằng doanh nghiệp thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật.

Nếu quý vị cần bất kỳ sự trợ giúp nào nhằm đánh giá các tác động của Trụ cột 2 đối với doanh nghiệp của mình, vui lòng liên hệ với chúng tôi.

 

Bản tin thuế tháng 10 - Tiếng Việt

Bản tin thuế tháng 10 - Tiếng Việt

Download PDF
Bản tin thuế tháng 10 - Tiếng Anh

Bản tin thuế tháng 10 - Tiếng Anh

Download PDF
Bản tin thuế tháng 10 - Tiếng Hàn

Bản tin thuế tháng 10 - Tiếng Hàn

Download PDF
Bản tin thuế tháng 10 - Tiếng Nhật

Bản tin thuế tháng 10 - Tiếng Nhật

Download PDF