Việt Nam tham gia Thỏa thuận Nhà chức trách có thẩm quyền về Trao đổi thông tin Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia
Việt Nam kí Thỏa thuận Trao đổi thông tin Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia

20 tháng 2 năm 2025

Kính gửi: Quý đối tác của Grant Thornton Việt Nam

Điểm tin từ Grant Thornton Việt Nam: Việt Nam đã tham gia vào Thỏa thuận của Nhà chức trách có thẩm quyền về Trao đổi thông tin tự động với Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia

Việt Nam đã đồng ý kí kết Thỏa thuận của Nhà chức trách có thẩm quyền về Trao đổi thông tin tự động (MCAA) về Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbCR). Cập nhật mới nhất của Danh sách kí kết MCAA với CbCR vào ngày 10 tháng 2 năm 2025[1] đã liệt kê việc kí kết tham gia Thỏa thuận từ Việt Nam vào ngày 3 tháng 1 năm 2025.

Hiểu biết về các thuật ngữ:

  • MCAA là một cơ chế được đề xuất bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). MCAA phục vụ mục đích cấp phép quyền truy cập để trao đổi các thông tin về thuế lẫn nhau giữa các cơ quan thuế tại các quốc gia/vùng lãnh thổ có tham gia kí kết Thỏa thuận.
  • CbCR là hình thức báo cáo dành cho các Tập đoàn liên quốc gia (MNEs). CbCR được OECD giới thiệu qua Hành động 13 thuộc Chương trình Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. CbCR cung cấp các thông tin tổng quan về các quốc gia/vùng lãnh thổ MNE có đăng kí kinh doanh, các công ty thành viên cũng như các dữ liệu tài chính và thuế có liên quan. CbCR có thể được sử dụng cho mục đích đánh giá rủi ro giá chuyển nhượng và cũng đang được yêu cầu dưới tư cách là tài liệu tuân thủ theo các quy định hiện hành về Xác định giá giao dịch liên kết tại Việt Nam, cũng như các đánh giá về Thuế tối thiểu toàn cầu gần đây.

Triển vọng ghi nhận từ Grant Thornton Việt Nam:

MCAA về trao đổi CbCR đã quy tụ được 107 quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia kí kết tính đến ngày 10 tháng 2 năm 2025, trong đó gồm các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và EU. Các triển vọng từ việc gia nhập MCAA được ghi nhận như sau:

  • Cơ quan Thuế Việt Nam sẽ hưởng lợi từ MCAA trong việc truy cập các thông tin CbCR từ các quốc gia/vùng lãnh thổ đặt trụ sở chính của MNE, theo đó sẽ tăng cường công tác rà soát quản lý thuế.
  • Người nộp thuế là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đồng thời hưởng lợi từ MCAA về giảm thiểu gánh nặng duy trì và nộp CbCR trong phạm vi hiệu lực của MCAA.
  • Các thách thức có thể được dự đoán trước liên quan đến thành lập các nền tảng chia sẻ (phụ thuộc vào các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác) và các quy định đảm bảo có liên quan đến bảo mật thông tin.

Grant Thornton Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật các quy trình MCAA sắp tới cũng như các thủ tục áp dụng MCAA có liên quan. Trong thời gian này, người nộp thuế được đề xuất lưu ý đến các quy định hiện hành về CbCR tại Việt Nam và duy trì các hồ sơ về CbCR trong trường hợp được yêu cầu.

Trong trường hợp Quý đối tác cần trao đổi thêm về các vấn đề nói trên, vui lòng liên hệ chúng tôi để được tư vấn chi tiết.

---------
[1] Website: https://www.oecd.org/content/dam/oecd/en/topics/policy-issues/tax-transparency-and-international-co-operation/cbc-mcaa-signatories.pdf

Bản tin thuế - Tiếng Việt

Bản tin thuế - Tiếng Việt

Tải xuống tại đây
Bản tin thuế - Tiếng Anh

Bản tin thuế - Tiếng Anh

Tải xuống tại đây