article banner
Đăng trên "đầu tư chứng khoán"

Thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng vốn và chứng khoán

Những thay đổi quan trọng trong các năm qua và đề xuất sắp tới

 

Thế nào là thu nhập từ chuyển nhượng Vốn?

Thu nhập từ chuyển nhượng Vốn của cá nhân là khoản thu nhập cá nhân đó nhận được từ:

  • Chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh
  • Chuyển nhượng chứng khoán (CK), bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ, v.v.

Thuế Thu nhập Cá nhân (TNCN) đối với chuyển nhượng vốn, chứng khoán

Cá nhân cư trú:

  • Chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH

Thuế TNCN đổi với chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH không thay đổi kể từ Thông tư 111/2013/TT-BTC ban hành năm 2013 đến nay.  Cụ thể, thuế TNCN phải nộp được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất 20%.  Trong đó, thu nhập tính thuế chính là giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

  • Chuyển nhượng chứng khoán

Đối với hoạt động chuyển nhượng CK, có sự thay đổi trong cách tính thuế và thuế suất.  Cụ thể:

Từ 01/10/2013 đến 30/06/2015:

Thuế TNCN phải nộp được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất 20%.  Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng CK được tính bằng giá bán CK trừ giá mua và các chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng.

Cá nhân chuyển nhượng CK phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.  Khi quyết toán thuế, cá nhân áp dụng thuế suất 20% được trừ số thuế đã tạm nộp theo thuế suất 0,1% trong năm tính thuế.

Từ 01/07/2015 đến nay:

Năm 2015, Thông tư 92/2015/TT-BTC được ban hành có hiệu lực từ 01/07/2015, sửa đổi quy định trước đó về cách tính thuế TNCN đối với chuyển nhượng CK của cá nhân cư trú, cụ thể: Cá nhân chuyển nhượng CK nộp thuế TNCN theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng CK từng lần, chứ không phải 20% trên thu nhập tính thuế như trước kia.

Tóm lại, trước 01/07/2015, các giao dịch chuyển nhượng CK trong năm của nhà đầu tư (NĐT) đều tạm khấu trừ thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng, sau đó cuối năm NĐT quyết toán lại toàn bộ hoạt động đầu tư trên thị trường CK của mình, nếu không có thu nhập, thì không phải nộp thuế, và được hoàn lại số thuế đã tạm khấu trừ.  Nếu NĐT không đăng ký phương pháp nộp thuế 20% trên thu nhập, thì khoản thuế bị khấu trừ, tạm nộp 0,1% là không được hoàn do không quyết toán lại.  Tuy nhiên, từ 01/07/2015, chỉ còn một cách tính thuế duy nhất đối với hoạt động chuyển nhượng CK là NĐT phải nộp 0,1% trên giá chuyển nhượng CK từng lần và cuối năm không quyết toán lại.  Như vậy, dù cuối năm khi tính toán lại, NĐT bị lỗ trên thị trường chứng khoán, thì vẫn phải nộp thuế TNCN (do đã tạm nộp 0,1% cho từng lần chuyển nhượng).

Cá nhân không cư trú: thuế TNCN trên thu nhập từ chuyển nhượng vốn và chứng khoán đều là 0,1% trên toàn bộ giá chuyển nhượng.

Đề xuất của Bộ Tài chính

Dựa trên thực tế thực hiện, Bộ Tài chính cho biết, các NĐT thường kê khai giá chuyển nhượng rất thấp (kê khai giá chuyển nhượng “khống”, thấp hơn giá thực tế) dẫn đến lợi nhuận thấp để nộp thuế ít đi, hoặc thậm chí kê khai chuyển nhượng lỗ để không phát sinh số thuế phải nộp.  Do đó, dẫn đến tình trạng Nhà nước bị thất thu thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn và CK chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch tại sở giao dịch do rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan do NĐT tự kê khai.

Nhằm hạn chế việc thất thu ngân sách nêu trên, tháng 08/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi quy định về cách tính thuế và thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú và không cư trú.  Cụ thể, nghĩa vụ thuế TNCN đối với chuyển nhượng vốn được đề nghị là 1% trên toàn bộ giá chuyển nhượng.  Với đề xuất này, Bộ Tài chính muốn đảm bảo nhà nước sẽ thu được thuế từ các giao dịch chuyển nhượng vốn, từ đó hạn chế thất thu ngân sách.  Tuy nhiên, đề xuất lại tạo ra sự không bình đẳng thuế suất giữa chuyển nhượng vốn (thuế suất 1%) và chuyển nhượng chứng khoán (thuế suất 0.1%).  Việc thuế suất TNCN đánh trên hoạt động chuyển nhượng vốn cao gấp 10 lần so với hoạt động chuyển nhượng CK sẽ dẫn đến khả năng NĐT tìm cách lách luật.  Cụ thể, bên chuyển nhượng vốn sẽ tìm cách chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH sang công ty cổ phần để được hưởng mức thuế suất thấp hơn.  Như vậy, dự thảo này chưa thật sự đưa ra giải pháp triệt để giải quyết tình trạng thất thu thuế hiện nay.

Năm 2018, Bộ Tài chính lại có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế TNCN, v.v. (dự án Luật), trong đó đề xuất áp dụng cùng một mức thuế suất cho cả thu nhập từ chuyển nhượng vốn và từ chuyển nhượng CK chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch tại sở giao dịch là 2% trên giá chuyển nhượng.  Như vậy, mức thuế suất 0,1% chỉ còn áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng CK đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch. 

Có thể thấy dự Luật mới này của Bộ Tài chính giải quyết được vấn đề bất bình đẳng thuế suất giữa chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng CK chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch tại sở giao dịch so với đề xuất trước đây (2017), tuy nhiên lại gây nên nhiều ý kiến không đồng tình từ phía các chuyên gia kinh tế, NĐT do đưa ra mức thuế suất cao hơn hẳn (từ 1% lên 2%) so với các đề xuất trước đây.

Góc nhìn từ Grant Thornton Vietnam

Chúng tôi luôn theo dõi và thấu hiểu các chính sách thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn và chứng khoán qua các thời kỳ. Chính phủ luôn có những chính sách phù hợp để tạo ra sự “bình đẳng và thuận lợi” cho người nộp thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Các phương pháp tính thuế đều được xem xét và áp dụng cho các thời kỳ: Thuế khoán trên giá trị giao dịch và Thuế trên phần lợi nhuận của nhà đầu tư.

Một vấn đề nên được xem xét là liệu có sự “khác biệt” giữa “Vốn” góp trong công ty TNHH và “Vốn” trong công ty cổ phần hay không? Sự khác biệt đó như thế nào để tạo ra cách tính thuế TNCN khác nhau trên cùng một hoạt động chuyển nhượng. “Vốn” trong công ty cổ phần có khác biệt với “Vốn” trong công ty TNHH, công ty cổ phần đã có cổ phiếu giao dịch tại sàn chứng khoán? Có phải chăng là “Vốn” của nhà đầu tư cổ phiếu trên sàn giao dịch được “ưu đãi” về cách tính thuế (0,1% trên giá trị giao dịch)?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật các chính sách thuế về việc chuyển nhượng vốn và cổ phiếu trong các bài viết tiếp theo.

 

Tác giả: Nghiêm Xuân Hồng Ân – Trưởng phòng cấp cao Dịch vụ tư vấn thuế, Công ty Grant Thornton Việt Nam.