Trong bản tin này, Grant Thornton Việt Nam sẽ cập nhật tới bạn đọc các chính sách pháp luật và các hướng dẫn đáng lưu ý trong lĩnh vực lao động, Thuế, Hóa đơn chứng từ mới được ban hành trong thời gian qua.
Contents

 

  1. Giảm thuế giá trị gia tăng giai đoạn nửa đầu năm 2024

Ngày 13/10/2023, Bộ Tài chính có Công văn 11239/BTC-CST xin ý kiến về việc giảm thuế GTGT cho 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, việc thực hiện giảm thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% đã được thực hiện ổn định trong năm 2022 và năm 2023. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ khác được quy định. Thời gian áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024. 

Ngày 03/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 182/NQ-CP về việc thông qua dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng như đề nghị của Bộ Tài chính, giao Bộ trưởng Bộ Tài Chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 03 tháng 11 năm 2023 về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Sau đó, tới ngày 28 tháng 12 năm 2023, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị Định 94/2023/NĐ-CP quy định về chính sách giảm thuế GTGT với nội dung như đã đề xuất như trên. Nội dung của nghị định này cũng tương tư như các năm trước.

Mặc dù chính sách thực hiện giảm thuế GTGT đã thực hiện trong hai năm 2022 và 2023 đã tác động tích cực đối với doanh nghiệp và nền kinh tế, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Điển hình cho vấn đề này, ngày 05/06/2023, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã gửi công văn số 21/2023/VASI-CV đề nghị hỗ trợ giải đáp và hướng dẫn doanh nghiệp trong việc xác định mức thuế GTGT. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều khó khan và có thể dẫn tới rủi ro thuế cho doanh nghiệp khi áp dung.

  1. Quyết định số 1388/QĐ-TCT về việc áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng

Ngày 18/09/2023, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TCT về việc áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế như sau:

Theo đó, Quyết định ban hành Bộ Chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế bao gồm 03 nhóm, cụ thể:

  • Nhóm I: Nhóm Chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau;
  • Nhóm II: Nhóm Chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT theo phương pháp chấm điểm rủi ro;
  • Nhóm III: Chỉ số tiêu chí theo yêu cầu quản lý của cơ quan thuế.
  •  

Hồ sơ hoàn thuế GTGT sẽ được phân loại như sau:

  • Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro cao về thuế: Thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau

Trong 12 tháng liên tục tính từ đầu năm tài chính, NNT có hồ sơ hoàn thuế liên tiếp được đánh giá là rủi ro cao:

  • Trường hợp lần đánh giá rủi ro đang thực hiện so với lần đánh giá trước liền kề khác nhau về tổng số điểm rủi ro hoặc điểm rủi ro tại mỗi tiêu chí, chỉ số tiêu chí khác nhau: hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.
  • Trường hợp lần đánh giá rủi ro đang thực hiện so với lần đánh giá trước liền kề giống nhau về tổng số điểm và số điểm tại mỗi tiêu chí, chỉ số; hoặc hồ sơ hoàn thuế đang thực hiện so với lần đánh giá trước liền kề có số điểm rủi ro tại mỗi chỉ số thấp hơn dẫn đến tổng điểm rủi ro thấp hơn tương ứng:
  • Kết quả kiểm tra hồ sơ hoàn thuế lần trước liền kề hoặc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế không phát hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì hồ sơ hoàn thuế lần tiếp theo không thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế.
  • Trường hợp kiểm tra hồ sơ hoàn thuế lần trước liền kề hoặc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế phát hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì hồ sơ hoàn thuế lần tiếp theo thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế.
  • Hồ sơ hoàn thuế thuộc các loại rủi ro trung bình và rủi ro thấp: thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

Điểm đáng chú ý của quyết định này là chỉ tiêu liên quan tới việc tuân thủ về hải quan và thông tin từ hải quan trong bộ chỉ tiêu đánh giá

  1. Công văn 6002/TCT-DNNCN và 684/TCT-DNNCN của Tổng cục thuế hướng dẫn về chính sách thuế TNCN đối với các khoản bảo hiểm bắt buộc đóng tại nước ngoài

Ngày 29/12/2023, Tổng cục thuế đã ban hành công văn nhằm giải đáp vướng mắc của người nộp thuế về chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với việc giảm trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc mà cá nhân đóng tại nước ngoài với trường hợp công ty Việt Nam bồi hoàn lại như dưới đây:

Trường hợp cá nhân người nước ngoài được Công ty ở Nhật Bản cử sang Việt Nam làm việc theo diện lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thu nhập từ tiền lương, tiền công do Công ty ở Việt Nam và Công ty ở Nhật Bản chi trả, trong đó phần thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài do Công ty ở Nhật Bản chi trả (bao gồm cả khoản bảo hiểm bắt buộc đóng ở nước ngoài) được bồi hoàn toàn bộ bởi Công ty ở Việt Nam thì không được trừ các khoản bảo hiểm đó khi tính thuế thu nhập TNCN tại Việt Nam.

Tuy nhiên sau đó, thấu hiểu các vấn đề của doanh nghiệp gặp phải trước hướng dẫn này, ngày 27/02/2024, Tổng Cục Thuế đã ra Công văn 684/TCT-DNNCN để hướng dẫn thêm về câu trả lời tại Công văn 6002/TCT-DNNCN như sau:

Trường hợp cá nhân người nước ngoài là cá nhân cư trú được cử sang Việt Nam theo diện điều chuyển nội bộ doanh nghiệp, có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ nước ngoài, đã đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân mang quốc tịch tương tự như các khoản bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam thì được trừ các khoản bảo hiểm đó khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN tại Việt Nam

  1. Công văn 5114/TCT-CS của Tổng cục thuế hướng dẫn chính sách thuế TNDN

Sau khi nhận được vướng mắc của doanh nghiệp về việc chính sách thuế đối với việc chuyển giao quyền nắm giữ vốn giữa các Công ty trong cùng tập đoàn. Ngày 15/11/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn hướng dẫn như dưới đây:

Trường hợp Công ty có kế hoạch sáp nhập chuyển giao toàn bộ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp (bao gồm cả quyền nắm giữ toàn bộ phần vốn góp trong Công ty) sang cho Công ty trong cùng tập đoàn, nếu có phát sinh thu nhập thì thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định. Công ty có trách nhiệm kê khai, nộp thay thuế TNDN từ hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài theo quy định.

  1. Công văn 76785/CTHN-TTHT của Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với tài sản điều chuyển khi tách công ty

Ngày 27/10/2023, Cục thuế TP Hà Nội đã ban hành công văn nhằm giải đáp vướng mắc của người nộp thuế về chính sách thuế đối với tài sản điều chuyển khi tách công ty như sau:

Nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT khi chia, tách doanh nghiệp:

  • Trường hợp điều chuyển tài sản giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh; tài sản điều chuyển khi tách doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hóa đơn.
  • Trường hợp tài sản điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ trong cùng một tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân: nếu tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì không phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế GTGT; nếu điều chuyển cho cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì phải lập hóa đơn GTGT, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.
  1. Công văn 4955/TCT-KK và 5090/TCT-KK của Tổng cục thuế hướng dẫn thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai thuế

Sau khi nhận được vướng mắc của doanh nghiệp về việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế, Tổng cục thuế đã ban hành công văn hướng dẫn như dưới đây:

  • Trường hợp Công ty phát hiện một số hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ mua vào bị bỏ sót phát sinh, sau khi cơ quan thuế đã ban hành kết luận về việc kiểm tra trước hoàn thuế hoặc quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế sau thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế thì thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 và khoản 3 Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 như sau:
  • Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
  • Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:
  1. a) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;
  2. b) Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.

7. Công văn 5115/TCT-CS của Tổng cục thuế hướng dẫn về ưu đãi thuế của dự án đầu tư mở rộng

Ngày 27/10/2023, Cục thuế TP Hà Nội đã ban hành công văn nhằm giải đáp vướng mắc của người nộp thuế về chính sách thuế đối với ưu đãi thuế của dự án đầu tư mở rộng như dưới đây:

  • Trường hợp Công ty thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở mua lại dự án đầu tư mà sau khi chuyển đổi sở hữu có đầu tư mở rộng nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính và các điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì phần thu nhập tăng thêm do hoạt động đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi theo quy định.
  • Về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: Trường hợp dự án đầu tư mở rộng của Công ty có hoạt động sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau ngày 01/7/2015 (ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành) thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với phần thu nhập tăng thêm từ dự án đầu tư mở rộng đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB.

 

Bản tin Thuế - Tiếng Việt

Bản tin Thuế - Tiếng Việt

Download PDF
Bản tin Thuế - Tiếng Anh

Bản tin Thuế - Tiếng Anh

Download PDF
Bản tin Thuế - Tiếng Nhật

Bản tin Thuế - Tiếng Nhật

Download PDF
Bản tin Thuế - Tiếng Hàn

Bản tin Thuế - Tiếng Hàn

Download PDF